Công suất phản kháng là gì?
Trong lưới điện tồn tại 2 loại công suất:
- Công suất hữu dụng P (kW) là công suất sinh ra công có ích trong các phụ tải.
- Công suất phản kháng Q (kVAr) là công suất vô ích, gây ra do tính cảm ứng của các loại phụ tải như: động cơ điện, máy biến áp, các bộ biến đổi điện áp…
Để đánh giá ảnh hưởng của công suất phản kháng đối với hệ thống người ta sử dụng hệ số công suất cosφ,
trong đó: φ = arctg P/Q.
Tại sao phải bù công suất phản kháng?
Công suất phản kháng Q không sinh công nhưng lại gây ra những ảnh hưởng xấu về kinh tế và kỹ thuật:
- Về kinh tế: chúng ta phải trả tiền cho lượng công suất phản kháng tiêu thụ.
- Về kỹ thuật: công suất phản kháng gây ra sụt áp trên đường dây và tổn thất công suất trên đường truyền.
Vì vậy, ta cần có biện pháp bù công suất phản kháng Q để hạn chế ảnh hưởng của nó. Cũng tức là ta nâng cao hệ số cosφ.
Lợi ích khi nâng cao hệ số công suất cosφ:
- Giảm tổn thất công suất trên phần tử của hệ thống cung cấp điện (máy biến áp, đường dây …).
- Giảm tổn thất điện áp trên đường truyền tải.
- Tăng khả năng truyền tải điện của đường dây và máy biến áp.
Cách tính công suất phản kháng cần bù?
Muốn tính công suất phản kháng cần bù để chọn tụ bù cho tải nào đó thì ta cần biết công suất (P) và hệ số công suất (Cos φ) của tải đó: Giả sử ta có công suất của tải là P, hệ số công suất của tải là Cos φ1 → tg φ1 (trước khi bù), hệ số công suất sau khi bù là Cos φ2 → tg φ2. Công suất phản kháng cần bù là:
Qb = P (tgφ1 – tgφ2)
Các biện pháp nâng cao hệ số công suất phản kháng?
1/ Phương pháp nâng cao hệ số cosφ tự nhiên: Nâng cao cosφ tự nhiên có nghĩa là tìm các biện pháp để hộ tiêu thụ điện giảm bớt được lượng công suất phản kháng mà chúng cần có ở nguồn cung cấp.
- Thay đổi và cải tiến quá trình công nghệ để các thiết bị điện làm việc ở chế độ hợp lý nhất.
- Thay thế các động cơ làm việc non tải bằng những động cơ có công suất nhỏ hơn.
- Hạn chế động cơ chạy không tải.
- Ở những nơi công nghệ cho phép thì dùng động cơ đồng bộ thay cho động cơ không đồng bộ.
- Thay biến áp làm việc non tải bằng máy biến áp có dung lượng nhỏ hơn.
2/ Phương pháp nâng cao hệ số cosφ nhân tạo: Phương pháp này được thực hiện bằng cách đặt các thiết bị bù công suất phản kháng ở các hộ tiêu thụ điện. Các thiết bị bù công suất phản kháng bao gồm:
a. Máy bù đồng bộ: chính là động cơ đồng bộ làm việc trong chế độ không tải.
* Ưu điểm: máy bù đồng bộ vừa có khả năng sản xuất ra công suất phản kháng, đồng thời cũng có khả năng tiêu thụ công suất phản kháng của mạng điện.
* Nhược điểm: máy bù đồng bộ có phần quay nên lắp ráp, bảo dưỡng và vận hành phức tạp. Máy bù đồng bộ thường để bù tập trung với dung lượng lớn.
b. Tụ bù điện: làm cho dòng điện sớm pha hơn so với điện áp do đó, có thể sinh ra công suất phản kháng cung cấp cho mạng điện.
* Ưu điểm:
- Công suất bé, không có phần quay nên dễ bảo dưỡng và vận hành.
- Có thể thay đổi dung lượng bộ tụ theo sự phát triển của tải.
- Giá thành thấp hơn so với máy bù đồng bộ.
* Nhược điểm:
- Nhạy cảm với sự biến động của điện áp và kém chắc chắn, đặc biệt dễ bị phá hỏng khi ngắn mạch hoặc điện áp vượt quá định mức. Tuổi thọ tụ có giới hạn, sẽ bị hư hỏng sau nhiều năm làm việc.
- Khi đóng tụ vào mạng điện sẽ có dòng điện xung, còn lúc cắt tụ điện khỏi mạng trên cực của tụ vẫn còn điện áp dư có thể gây nguy hiểm cho nhân viên vận hành.
- Sử dụng tụ điện ở các hộ tiêu thụ công suất phản kháng vừa và nhỏ (dưới 5000 kVAr).
Các phương thức bù công suất phản kháng bằng tụ bù?
Có hai phương thức bù công suất phản kháng bằng tụ bù:
a. Bù tĩnh (bù nền): bố trí bù gồm một hoặc nhiều tụ tạo nên lượng bù không đổi. Việc điều khiển có thể thực hiện bằng các cách sau:
- Bằng tay: dùng CB hoặc LBS (load – break switch)
- Bán tự động: dùng contactor
- Mắc trực tiếp vào tải đóng điện cho mạch bù đồng thời khi đóng tải.
* Ưu điểm: đơn giản và giá thành không cao.
* Nhược điểm: khi tải dao động có khả năng dẫn đến việc bù thừa. Việc này khá nguy hiểm đối với hệ thống sử dụng máy phát. --> Vì vậy, phương pháp này áp dụng đối với những tải ít thay đổi.
b. Bù động (sử dụng bộ tụ bù tự động): sử dụng các bộ tụ bù tự động, có khả năng thay đổi dung lượng tụ bù để đảm bảo hệ số công suất đạt được giá trị mong muốn.
* Ưu điểm: không gây ra hiện tượng bù thừa và đảm bảo được hệ số công suất mong muốn.
* Nhược điểm: chi phí lớn hơn so với bù tĩnh. --> Vì vậy, phương pháp này áp dụng tại các vị trí mà công suất tác dụng và công suất phản kháng thay đổi trong phạm vi rất rộng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét